1. Cholesterol là gì?
- Cholesterol là một chất trông giống như sáp hay như mỡ có mặt trong mọi tế bào của cơ thể. Cholesterol do gan sinh ra và có vai trò quan trọng trong hoạt động bình thường của cơ thể.
- Bình thường, cơ thể người chứa khoảng 100 người chứa khoảng 100 gam cholesterol. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều cholesterol tích luỹ trong máu thì có thể gây ra các vấn đề về tim mạch.
2. Phân loại cholesterol?
- Các chất béo bao gồm cả cholesterol không thể hoà tan với các dung dịch có gốc nước trong cơ thể, do đó chúng cần được gói gém lại trong một vỏ bọc “thân thiện” với nước để có thể vận chuyển đi khắp cơ thể. Các vỏ bọc thân thiện với nước đó được gọi là các Lipoprotein (nó là một hợp chất được tạo nên giữa cholesterol, một số chất béo khác và một protein).
- Có 2 loại Lipoprotein bao gồm:
+ HDL (High-Density-Lipoprotein): Là lipoprotein có tỷ trọng cao do chúng chứa nhiều protein hơn so với cholesterol và các chất béo khác. HDL còn được gọi là cholesterol tốt vì nó đưa cholesterol ra khỏi máu, bảo vệ thành mạch, chống xơ vữa, ngăn chặn các bệnh tim mạch.
+ LDL (Low-Density-Lipoprotein): Là lipoprotein có tỷ trọng thấp do chúng chứa ít protein nhưng lại nhiều cholesterol và chất béo khác. LDL còn được gọi là cholesterol xấu vì nó đưa cholesterol vào máu, nơi cholesterol thừa sẽ tích tụ lại, gây xơ vữa động mạch, tắc mạch gây nên các bệnh lý tim mạch.
- Cholesterol là một chất cần thiết cho cơ thể.
- Tuy nhiên khi hàm lượng cholesterol quá cao trong máu, sẽ gây nên nguy cơ bệnh tim mạch.
- HDL mang cholesterol ra khỏi máu (tốt)
- LDL mang cholesterol đi vào máu (xấu)
3. Vai trò của cholesterol?
- Cholesterol là chất cần thiết để tạo ra một số hormon, vitamin D và các acid mật (acid mật có trong thành phần của mật, quan trọng trong quá trình tiêu hoá).
- Cholesterol giữ và bảo vệ cho màng tế bào, tạo nên một lớp vỏ bọc cho tế bào vừa có tính đàn hồi vừa chắc chắn.
- Cholesterol tốt (HDL) làm giảm mỡ máu và cholesterol xấu (LDL), giúp bảo vệ thành mạch, chống lại tình trạng xơ vữa và các bệnh về tim mạch.
4. Điều hoà, chuyển hoá cholesterol trong cơ thể như thế nào?
- Gan là cơ quan điều hoà lượng cholesterol trong cơ thể: Cholesterol luân chuyển giữa gan và máu để thực hiện các chức năng thiết yếu. Quá trình này dựa vào sự cân bằng giữa hai loại lipoprotein là HDL và LDL:
+ LDL đưa cholesterol vào máu, vào các mảng bám: Nếu trong máu của bạn chứa nhiều LDL hơn HDL thì các mảng bám chứa cholesterol có thể tích tụ trong động mạch (chứng vữa xơ động mạch), làm tăng huyết áp, nghẽn mạch. Nếu các mảng bám này bị vỡ, các cục máu đông có thể hình thành gây tắc nghẽn nguồn cung cấp máu cho các cơ quan, tổ chức (tắc nghẽn ở mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch não sẽ gây đột quỵ, tắc nghẽn mạch máu đầu chi thể sẽ gây hoại từ chi thể...). Mức LDL cao có thể do các chế độ ăn nhiều chất béo xấu (mỡ động vật, đường bột tinh chế...), do thừa cân, béo phì hoặc do gen di truyền.
+ HDL đưa cholesterol thừa ra khỏi các tế bào, ra khỏi máu, ra khỏi các mảng bám để đưa chúng về gan. Gan sẽ chuyển hoa cholesterol thừa thành acid mật để tái sử dụng hay bài tiết để tham gia quá trình tiêu hoá, như vậy gan sẽ đưa cholesterol ra khỏi mật dưới dạng muối mật.\
- Con người có thể tạo ra tất cả các cholesterol cần thiết tại gan, nhưng cũng có thể lấy thêm từ thức ăn.